Chuyên gia phiên dịch y tế phải vừa tuân thủ tiêu chuẩn phiên dịch trong ngành, vừa xử lý ổn thỏa những vấn đề phát sinh mà vẫn giữ vững giới hạn về vai trò, bảo mật, không thiên vị, đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt.
Phiên dịch viên y tế cần tuân thủ các Tiêu chuẩn Thực hành Phiên dịch Y tế (Medical Interpreting Standards of Practice), nhưng lại thường gặp nhiều tình huống phải đảm đương thêm những vai trò khác. Thách thức này đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa kinh nghiệm, chuyên môn và khả năng đưa ra quyết định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo giao tiếp hiệu quả và tối ưu quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Tiêu chuẩn Thực hành Phiên dịch Y tế gồm ba khía cạnh then chốt:
1. Tính chuẩn xác:
Phiên dịch viên cần nỗ lực hỗ trợ các bên cùng hiểu rõ nội dung cuộc hội thoại. Chuyên gia phiên dịch phải truyền tải đúng thông điệp mà không thay đổi hoặc lược bỏ bất kỳ nội dung nào, kể cả những phần có vẻ trùng lặp, lạc đề, hoặc bất lịch sự. Phiên dịch viên cần sử dụng đúng ngữ vực (register), phong cách và giọng điệu của người nói trừ phi không có từ tương đương nào trong ngôn ngữ bệnh nhân sử dụng, khi đó có thể tìm cách để làm rõ hoặc giải thích dễ hiểu hơn. Chuyên gia phiên dịch thông báo với các bên liên quan rằng mọi lời nói của họ đều sẽ được phiên dịch lại, duy trì nhịp điệu giao tiếp bằng cách yêu cầu các bên nói chậm lại hoặc tạm ngưng để phiên dịch. Mọi lỗi sai khi phiên dịch cần được sửa kịp thời. Khi cần thiết, phiên dịch viên có thể thẳng thắn yêu cầu các bên giải thích thêm.
2. Bảo mật:
Trong hoạt động y tế, việc duy trì bảo mật là rất quan trọng nhằm giữ vững lòng tin và tôn trọng quyền riêng tư. Chuyên gia phiên dịch cần xem tất cả thông tin có được trong khi làm việc là thông tin mật chỉ lưu hành trong đội ngũ điều trị, tuân thủ theo quy định bảo mật thông tin hiện hành. Phiên dịch viên đặt tính bảo mật làm ưu tiên hàng đầu và không chia sẻ thông tin ra bên ngoài đội ngũ điều trị mà không có sự cho phép của bệnh nhân hoặc yêu cầu pháp lý. Phiên dịch viên tránh bàn luận về tình trạng bệnh nhân với người thân hoặc đối tượng khác khi chưa được bệnh nhân chính thức cho phép, đảm bảo các thông tin bằng văn bản của bệnh nhân luôn được bảo vệ an toàn.
3. Không thiên vị:
Chuyên gia phiên dịch cần giữ lập trường trung lập và không thiên vị, không áp đặt sở thích hay phán xét mang tính cá nhân. Phiên dịch viên cần tránh thể hiện cảm xúc cá nhân qua cách dùng từ, giọng điệu hoặc ngôn ngữ hình thể. Phiên dịch viên cần phải thông báo với các bên nếu có xung đột về lợi ích, cũng như có thể rút khỏi dự án khi cần thiết, chẳng hạn như khi phiên dịch cho thành viên gia đình hoặc bạn thân. Việc giữ vững tinh thần không thiên vị giúp phiên dịch viên thực hiện công việc khách quan và công bằng.
Dù phải tuân thủ những tiêu chuẩn này, phiên dịch viên y tế vẫn thường gặp phải nhiều tình huống khó khăn, ảnh hưởng đến công việc. Một tình huống phổ biến là khi phiên dịch viên được bác sĩ hoặc nhân viên y tế nhờ thực hiện thêm nhiệm vụ khác ngoài công việc phiên dịch. Những yêu cầu này thường xảy ra khi bệnh nhân không biết đọc hoặc viết, có thể gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, cần người giám sát khi thực hiện quy trình y tế; hoặc khi phiên dịch viên và bác sĩ/nhân viên y tế đã quen biết nhau từ trước.
Kết quả là, đôi khi phiên dịch viên được yêu cầu thực hiện thêm những việc nằm ngoài phạm vi phiên dịch đơn thuần. Ví dụ như, phiên dịch viên có thể được nhờ hỗ trợ bệnh nhân điền giấy tờ, giải thích các phiếu thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu phức tạp, đồng hành cùng bệnh nhân thực hiện các quy trình y tế hoặc tìm cách giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về một số vấn đề y tế nhất định. Dù cũng nhằm mục đích giúp cho giao tiếp hiệu quả và hỗ trợ bệnh nhân hiểu rõ hơn, những việc nói trên có thể làm mờ ranh giới của vai trò phiên dịch và tạo ra những thách thức tiềm ẩn trong việc duy trì tính trung lập và bảo mật.
Một trường hợp khác cũng khá phổ biến chính là khi phiên dịch viên đã từng có kinh nghiệm làm việc với nhà cung cấp dịch vụ y tế hoặc phòng khám, nên thường được nhờ hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. Chẳng hạn như, tại trung tâm xét nghiệm, nhân viên y tế có thể nhờ phiên dịch viên giải thích thêm cho bệnh nhân. Trường hợp này có thể đưa phiên dịch viên vào thế khó, vì họ phải trao đổi nhiều hơn với bệnh nhân về tình trạng sức khỏe hiện tại, từ đó lại biết thêm nhiều thông tin của bệnh nhân hoặc là được bệnh nhân nhờ vả thêm những việc khác. Những yêu cầu này thường khiến phiên dịch viên phải làm thêm nhiều công việc ngoài luồng và đưa họ tình cảnh khó khăn trong lần làm việc tiếp theo.
Sự thân quen giữa phiên dịch viên và bác sĩ/nhân viên y tế, do đã từng cùng làm việc hoặc hợp tác lâu dài, cũng có thể khiến phiên dịch viên khó lòng duy trì vai trò trung lập. Do đã thân quen, thỉnh thoảng nhà cung cấp y tế có thể đưa ra yêu cầu vượt quá giới hạn dịch thuật, vô tình khiến phiên dịch viên vi phạm tiêu chuẩn về dịch thuật y tế. Bác sĩ và nhân viên y tế có thể yêu cầu phiên dịch viên điều chỉnh sao cho lời họ nói dễ hiểu hơn, hoặc tự giải thích các quy trình vì họ cho rằng phiên dịch viên đã quen thuộc với những việc này. Do đó, khi đã thân quen với bác sĩ, nhân viên y tế và những vấn đề liên quan, phiên dịch viên thường phải thực hiện thêm những việc nằm ngoài giới hạn nghề nghiệp của ngành phiên dịch y tế. Điều này cũng làm tăng rủi ro phiên dịch viên có thể vô tình chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến sức khỏe mà không có sự giám sát về tính chính xác.
Ngoài ra, phiên dịch viên cũng có thể vượt ra ngoài khuôn khổ của vai trò phiên dịch vì mục đích cá nhân hoặc mong muốn khắc phục những thách thức nhất định. Họ có thể cố tình thay đổi thông điệp giữa bệnh nhân và bác sĩ/nhân viên y tế, đi ngược lại với những tiêu chuẩn về phiên dịch y tế. Ví dụ như, phiên dịch viên có thể làm vậy để giao tiếp rõ ràng hơn và giúp đỡ bệnh nhân, cung cấp kiến thức ngoài lề, hoặc nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa bệnh nhân và bác sĩ/nhân viên y tế. Trong tình huống này, phiên dịch viên có thể dùng từ ngữ nhẹ nhàng hơn, điều chỉnh giọng điệu, hoặc giải thích cho bác sĩ/nhân viên y tế hiểu được phản ứng của bệnh nhân. Mặc dù việc phiên dịch sai lệch như vậy xuất phát từ ý tốt, nhưng hành động này lại vi phạm những quy chuẩn về tính khách quan và độ chính xác mà phiên dịch viên chuyên ngành y tế phải tuân thủ.
Xử lý tốt những tình huống phát sinh nêu trên là thử thách lớn đối với các chuyên gia phiên dịch y tế. Họ phải thận trọng cân bằng giữa những giới hạn vai trò đặc thù và bảo mật thông tin cho bệnh nhân. Chuyên gia phiên dịch phải cân nhắc và đưa ra quyết định sáng suốt để duy trì hiệu quả giao tiếp nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc về tính chuẩn xác, bảo mật và không thiên vị. Thông qua việc giải quyết những thách thức này, chuyên gia phiên dịch y tế góp phần giúp cho việc giao tiếp trong ngành y tế được chính xác, bảo mật và khách quan; cải thiện mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ/nhân viên y tế, đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc phù hợp văn hóa.