Bản dịch có thể vô tình mất đi những chi tiết nhỏ nhưng mang ý nghĩa quan trọng.
Mỗi người đều có cách dùng từ và ngữ pháp đậm chất riêng khi giao tiếp với nhau. Phong cách giao tiếp và kiểu cách nói chuyện khác biệt như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện dấu ấn cá nhân. Trong các sản phẩm giải trí, cách nhân vật nói chuyện thường bộc lộ tính cách, quá trình trưởng thành, giáo dục và động cơ riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, đưa những yếu tố ngôn ngữ tinh tế này sang một thứ tiếng khác không phải là việc dễ dàng. Để tuân thủ giới hạn về mặt thời gian và không gian, bản dịch phụ đề có thể mất đi một số sắc thái ngữ nghĩa, vô tình tạo nên lỗ hỏng trong cốt truyện.
Chẳng hạn như, trong bộ phim Donnie Brasco, nhân vật chính Joe Pistone là nhân viên FBI phải đóng giả làm tội phạm để triệt hạ một băng đảng mafia.
Khi được hỏi anh đang trốn chạy điều gì, Joe đáp: “I ain’t running from nothin” (cách nói dân dã) – tuyệt nhiên đây vốn không phải là cách nói mà một nhân viên FBI được đào tạo bài bản với gia thế thuộc tầng lớp trung lưu nên thốt ra. Cảnh này diễn ra khi anh ấy đang trò chuyện với vợ và cố vấn hôn nhân. Không có lý do gì để anh phải dùng cách nói chuyện này cả, nhưng anh lại vô thức thốt ra như vậy, khiến người vợ không khỏi thất vọng. Chi tiết này rất quan trọng đối với cốt truyện, cho thấy Joe đã dần quen với cách nói chuyện của băng cướp, vô tình đánh mất bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nhưng phụ đề tiếng Trung chỉ đơn giản là “我没逃避什么”, nghĩa là I’m not running away from anything (cách nói chuẩn). Mặc dù là bản dịch đúng, cùng mang ý nghĩa “Tôi không trốn chạy khỏi điều gì cả”, nhưng phần phụ đề tiếng Trung sử dụng ngôn ngữ chuẩn văn phạm và do đó, không thể truyền tải được hàm ý trong bản gốc.